Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Thực hư lợi nhuận ngân hàng

Trước bối cảnh tín dụng âm, lãi suất cho vay giảm, nhiều ngân hàng vẫn báo lãi, thậm chí lãi cao. Vậy thực hư câu chuyện lợi nhuận ngành ngân hàng ra sao?


Bài liên quan : <<  Ngân hàng Habubank xóa nợ thành công  >>
                         <<  Ngân hàng Habubank tự tin xóa nợ  >>
 

Nếu nhìn từ bên ngoài, có thể thấy, trong điều kiện thị trường tiền tệ như hiện nay, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì áp trần lãi suất huy động có thể coi là nguyên nhân chính giúp ngân hàng thương mại có cơ hội duy trì tỷ lệ lãi biên cao (yếu tố then chốt quyết định sự tăng lên của nguồn thu nhập từ tín dụng), lợi nhuận tăng. Nhưng theo các ngân hàng, trên thực tế, ngân hàng không hưởng lợi nhiều từ kênh tín dụng. Trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, việc phải giảm lãi suất sẽ khiến chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra dần bị thu hẹp, dẫn đến, lợi nhuận thu về từ hoạt động tín dụng giảm đáng kể.
Theo ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank), kết thúc 6 tháng đầu năm 2012, Sacombank đạt gần 50% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (chỉ tiêu cả năm là 3.400 tỷ đồng). Thế nhưng, dư nợ tín dụng của Ngân hàng trong nửa đầu năm nay hầu như không tăng và đến thời điểm này, “room” tín dụng vẫn còn nguyên (17%).
Các khoản vay cũ phải giảm lãi suất xuống 15%/năm tại Sacombank được ông Khang thông tin là khoảng 26.000 tỷ đồng. Vì thế, theo ông Khang, để thực hiện chỉ thị giảm lãi suất các khoản vay này, bình quân mỗi tháng, Ngân hàng mất 80 tỷ đồng. Mặt khác, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và để kích thích tăng trưởng dư nợ trong những tháng cuối năm, Sacombank phải hy sinh lợi nhuận mới có thể thu hút được khách hàng vay vốn. Lãi suất cho vay thấp nhất tại Sacombank hiện ở mức 13%/năm.
Còn theo ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank, giảm lãi suất là tất yếu để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, còn ngân hàng đẩy mạnh được tín dụng, giải quyết tình trạng tăng trưởng tín dụng âm trong gần 6 tháng qua. Song ngân hàng không phải là đối tượng được hưởng lợi nhuận cao từ kênh này, bởi ngân hàng đã bỏ ra chi phí huy động cao trước khi lãi suất được giảm, nên lãi suất đầu ra không thể giảm nhanh.
Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), ông Trần Phương Bình cho hay, Ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất xuống 15% năm đối với 40% tổng dư nợ hiện có. Vì thế, khoản lợi nhuận mà DongA Bank mất đi khi thực hiện việc giảm lãi suất là khoảng 40 tỷ đồng/tháng. “Ước tính, 6 tháng cuối năm, DongA Bank sẽ mất khoảng 240 tỷ đồng lợi nhuận”, ông Bình nói, nhưng cũng thừa nhận, nếu không giảm lãi suất, DongA Bank sẽ bị mất khách hàng tốt.
Chênh lệch giữa lãi suất đầu vào - đầu ra đang thu hẹp. Biên lợi nhuận từ huy động - cho vay tại DongA Bank hiện khoảng 3%, nhưng chưa trừ các chi phí khác. Bên cạnh đó, nợ xấu tăng dần cũng đang “ăn” hết lợi nhuận của Ngân hàng, do phải trích lập dự phòng. Tỷ lệ nợ xấu tại DongA Bank tính đến tháng 6 là 4% và trích lập dự phòng 2% trên tổng dư nợ (tương đương 1.000 tỷ đồng).
Trong khi đó, nhận định được đưa ra từ TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nếu trích lập dự phòng đủ 75%, các ngân hàng sẽ không còn lãi nhiều như con số công bố. Theo phân tích của ông Lịch, do các ngân hàng chưa trích lập đủ rủi ro dự phòng tín dụng và còn rất nhiều khoản vốn khó thu hồi, nhưng vẫn tính vào tổng lợi nhuận. Do đó, lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa đầu năm nay và có thể cả năm trước không loại trừ chỉ là con số “ảo”.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét